“Đọc văn thơ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, tôi luôn luôn đặt cho mình các câu hỏi về những bí ẩn chưa biết hết được. Nghiên cứu về Bác và văn thơ Bác, đối với tôi, là đứng trước những bí ẩn ấy”- Đó là tâm niệm của Giáo sư Phong Lê, người có nhiều năm nghiên cứu về sự nghiệp văn chương của Bác Hồ, trong cuộc trò chuyện sau nhân kỷ niệm 114 năm Ngày sinh của Bác.
- Thưa giáo sư, là một nhà nghiên cứu từng công bố nhiều công trình về sự nghiệp văn chương của Bác Hồ, giáo sư có thế cho biết ý nghĩa của công việc này trong mối quan hệ với những ngành nghiên cứu khác trên con đường tìm hiểu về vị lãnh tụ kiệt xuất của cách mạng Việt Nam - Danh nhân Văn hóa thế giới Hồ Chí Minh?
- Tôi là người nghiên cứu văn học nên chỉ nghiên cứu Bác ở sự nghiệp văn chương. Bác có một sự nghiệp văn chương thật sự trong hành trình 50 năm viết của mình (từ Yêu sách của nhân dân Việt Nam - 1919 đến Di chúc - 1969).
Theo tôi, có hai giai đoạn viết của Bác là in đậm dấu ấn văn chương. Đó là giai đoạn 1917 - 1923, Bác ở Paris, sau một hành trình nhiều năm qua nhiều xứ sở. Giai đoạn này Bác vừa viết báo vừa làm báo; và trong sự nghiệp báo chí đó, có nhiều tác phẩm có giá trị văn học, hoặc đích thực là văn học.
Tác phẩm tiêu biểu của Bác thời kỳ này là Bản án chế độ thực dân Pháp , đến năm 1946 mới được ấn hành ở Việt Nam và đến năm 1960 mới có bản dịch ra tiếng Việt. Bên cạnh, là những tiểu phẩm, ký, truyện ngắn viết với phong cách rất hiện đại. Những tác phẩm này, phải đến năm 1974 mới sưu tập được và dịch ra tiếng Việt.
Vậy là Bác khởi đầu sự nghiệp viết bằng văn báo chí và ký, truyện ngắn bằng tiếng Pháp, ở Paris. Những truyện, ký mang hai phẩm chất: Cách mạng và Hiện đại . Chính hai phẩm chất cơ bản đó đã xác định sớm nhất gương mặt mới của văn học Việt Nam trong bối cảnh thế giới, và trong phân biệt với hàng ngàn năm văn học trung đại.
Giai đoạn hai từ 1941 đến 1945, mở đầu với những bài thơ ngắn về Pác Bó và kết thúc bằng Tuyên ngôn độc lập. Đây là lúc thời cơ cách mạng đã đến với dân tộc, và cũng chỉ đến lúc này Bác mới có thể về nước sau 30 năm xa xứ. Vâng, phải sau 30 năm, đất nước mới có thời cơ cách mạng, và Bác mới có thể về nước, về với đồng bào. Tức là về với một công chúng cụ thể đang đón đợi cách mạng. Sự nghiệp viết của Bác sẽ lại đến một cách hào hứng, trong những bài thơ tuyên truyền cổ động đăng trên tờ Việt Nam độc lập. Và Nhật ký trong tù , trong một hoàn cảnh ngẫu nhiên mà có.
Các giai đoạn khác của Bác cũng có văn và thơ. Như Nhật ký chìm tàu, năm 1930. Như những vần thơ xướng họa trong chống Pháp. Như những bức thư gửi các giới đồng bào trong đó vang động núi sông là Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (1946) và Không có gì quý hơn Độc lập Tự do (1965); và thơ Xuân chúc Tết. Rồi Di chúc ... Tất cả đều có thể rút ra những giá trị văn học.
Văn thơ chỉ là một bộ phận trong sự nghiệp viết của Bác. Và viết, cũng chỉ là một cách thức, một phương tiện để hoạt động cách mạng. Nó là vũ khí của "tiếng nói". Nhưng văn thơ lại nói được rất nhiều về con người, do đặc trưng và phẩm chất của nó.
Từ văn thơ, qua văn thơ mà hiểu về con người Bác một cách rõ nét và sống động nhất, và tôi nghĩ, không có bất cứ lĩnh vực khoa học nào, về chính trị, về quân sự, về kinh tế, về ngoại giao, về văn hóa, về xã hội... mà không cần biết đến cái gốc sâu xa nhất là con người.
Bởi, có con người ấy mới có sự nghiệp ấy - một sự nghiệp có thể nói là bao trùm tất cả mọi sự nghiệp. Một sự nghiệp không giống với bất cứ sự nghiệp nào của bất cứ ai. Một sự nghiệp, chỉ có Bác chứ không có ai khác, thực hiện được. Đó là sự nghiệp cứu một đất nước ra khỏi ách nô lệ ngót 80 năm của chủ nghĩa thực dân và phục hưng một dân tộc sau hàng nghìn năm quân chủ. Để có sự nghiệp ấy, Bác phải xa đất nước 30 năm, và phải viết từ những năm 20 cho đến ngày cuối đời. Ai trong các lãnh tụ dân tộc làm được việc ấy?
Các lĩnh vực khoa học xã hội như lịch sử, chính trị, quân sự, văn hóa, ngoại giao... đều hướng về một đối tượng riêng, nhưng tất cả đều phải được quy tụ, được soi chiếu từ một nguồn chung: đó là con người. Vậy thì có lĩnh vực nào có ưu thế nhất cho việc làm sáng tỏ con người trong tổng thể tất cả mọi phương diện, ngoài văn học? Do vậy, dẫu văn thơ chỉ là một bộ phận nhỏ trong hoạt động của Bác, vẫn là nơi kết tinh và soi tỏ rõ nhất chân dung Hồ Chí Minh - con người vừa của dân tộc, vừa của nhân loại; con người của một sự nghiệp lớn nhất đối với dân tộc, và cả nhân loại da mầu đau khổ, và cũng là đối với Bác, trong thế kỷ XX.
Như vậy, tôi nghĩ, bất cứ khoa học nào cũng đều có thể qua văn thơ mà đến được với Bác một cách tự nhiên, hồn nhiên mà trung thực nhất, đáng tin cậy nhất.
- Đánh giặc và làm thơ; dưới góc nhìn lịch sử - văn hóa, là nét truyền thống của dân tộc Việt Nam hàng ngàn năm qua. Sự nghiệp cách mạng và văn chương của Bác Hồ là một thí dụ tiêu biểu cho truyền thống đó ở thế kỷ XX. Nét truyền thống nêu trên đã được hình thành trong lịch sử dân tộc như thế nào và bản sắc ấy đã được nhận biết ra sao trong mối quan hệ so sánh với văn hóa của các dân tộc trên thế giới, thưa giáo sư?
- Đánh giặc và làm thơ - đúng là nét truyền thống của dân tộc Việt Nam. Ai mà dám bác bỏ điều này. Đánh giặc suốt 1.000 năm (sau 1.000 năm Bắc thuộc, với không dứt những cuộc khởi nghĩa). Đánh tiếp 30 năm trong thế kỷ XX. Và làm thơ như một tồn tại bình thường và tự nhiên của cuộc sống. Và tôi nghĩ, nếu không có thơ, nếu không ai làm thơ trong bối cảnh đánh giặc ấy thì dân tộc đã không tồn tại được.
Đọc thơ Hồ Chí Minh, sự liên tưởng thường đưa tôi về với bốn câu thơ tương truyền là của Lý Thường Kiệt ở thế kỷ X: "Nam quốc sơn hà...". Rồi Trần Nhân Tông, sau Chiến thắng Bạch Đằng, về Thiên Trường, xúc động nhìn thấy những chân ngựa đá lấm đất: "Xã tắc hai phen chồn ngựa đá/ Non sông nghìn thuở vững âu vàng". Và Nguyễn Trãi, sau Bình Ngô đại cáo , trở về Côn Sơn với những bài thơ nôm...
Truyền thống như được chung đúc trong câu thơ: "Nay ở trong thơ nên có thép" và "Vung bút thành thơ đuổi giặc thù". Văn chương đuổi giặc (thoái lỗ thi) - đó là cách nói của Bác. Còn Mác thì nói: Vũ khí của tiếng nói và Tiếng nói của vũ khí.
Hồ Chí Minh, tác giả của Ngục trung nhật ký viết năm 1943, là người 20 năm trước, ở Paris đã đọc Shakepeare, Dicken, Lỗ Tấn, Hugo, Zola trong nguyên bản, để viết Paris, Con người biết mùi hun khói, Lời than vãn của Bà Trưng Trắc;... cũng là người rất thuộc ca dao, thuộc lòng Chinh phụ ngâm, Truyện Kiều . Bất cứ lúc nào, Bác cũng đều có thể vận Kiều và ca dao vào thơ văn và vào cuộc sống hàng ngày. Ở hiện tượng đó, tôi nghĩ: Hồ Chí Minh, với tư cách người hoạt động cách mạng và lãnh tụ của dân tộc là đại diện tiêu biểu nhất, tuyệt vời nhất của truyền thống...
Trong giới hạn của thế giới hiện đại, những người khai sáng của Cách mạng vô sản ở phương Tây, từ giữa thế kỷ XIX và cả những người khai sáng cho Cách mạng tư sản, thế kỷ XVIII, đều có một sự nghiệp viết rất lớn, trên rất nhiều lĩnh vực, nhưng ít có ai làm thơ. Phương Đông có truyền thống thơ, có nhiều người làm thơ, và Hồ Chí Minh là thuộc trong số đó. Chỉ có điều khác là Hồ Chí Minh làm thơ như một hoạt động tự nhiên, vì cách mạng, hoặc vì nhu cầu riêng của bản thân - "Ngâm thơ ta vốn không ham"... chứ không có ý định lưu danh hậu thế bằng thơ.
- Giáo sư có thể cho biết những vấn đề mà giáo sư đặc biệt quan tâm, những điều tâm đắc nhất của giáo sư về sự nghiệp văn chương Hồ Chí Minh trong những giai đoạn khác nhau của cả quá trình nghiên cứu mấy chục năm của mình?
Trong nghiên cứu văn học tôi luôn luôn chú ý mối quan hệ giữa văn và người. Qua văn thơ mà hiểu người. Và qua người mà hiểu văn thơ. Có thể là hơi cũ. Nhưng cho đến nay tôi vẫn trung thành với cách nghiên cứu này.
Tất nhiên không phải bất cứ ai làm thơ cũng có sự tương ứng ấy. Còn Bác thì không những là tương ứng mà còn là nhất trí, dẫu Bác không nhằm vào một sự nghiệp văn chương. Sự nghiệp viết của Bác là vì cách mạng; do vậy chỉ khi nào cách mạng cần đến văn thơ thì Bác làm.
Chẳng hạn Việt Nam yêu cầu ca, năm 1920, gồm 56 câu thơ lục bát và song thất lục bát để diễn ca nội dung bản Yêu sách của nhân dân Việt Nam. Hoặc mấy chục bài ca Việt Minh, theo kiểu Hòn đá, Bài ca sợi chỉ... Bác viết ngay sau khi về nước, năm 1941. Có thể gọi đó là thơ được chăng? Nếu tách nó ra khỏi Bác, tách nó ra khỏi bối cảnh lịch sử và yêu cầu cách mạng thì khó ai nghĩ đó là thơ. Nhưng Bác đâu có định làm thơ! Ngay cả đến Nhật ký trong tù...
Giá thử Bác không có Nhật ký trong tù? Tôi nghĩ đó là một khoảng trống rất lớn, một thiệt thòi rất lớn không cho cả dân tộc và văn hóa, văn học dân tộc. Bởi, Nhật ký trong tù, hơn bất cứ tác phẩm nào khác của Bác, cho ta hiểu về tác giả - một con người, với tất cả những gì tạo nên phẩm chất người, ở những gì cao quý nhất, khiến cho ta gần gũi, yêu mến, kính trọng, ngưỡng mộ, khám phục, tự hào, chịu ơn... Một người, vừa là nhà cách mạng, vừa với tư chất nghệ sĩ và một nhà văn hóa... Và có phải đó chính là căn cứ quan trọng, đích đáng nhất để tổ chức UNESCO công nhận Bác là Danh nhân Văn hóa thế giới, năm 1990!
Với Nhật ký trong tù, năm 1960, nhân dân Việt Nam và bạn bè thế giới biết đến Hồ Chí Minh như một nhà thơ lớn, một nghệ sĩ lớn một nhà văn hóa lớn. Những phẩm chất trên, qua hành trình cách mạng của Bác đã bộc lộ. Nhưng phải đến Nhật ký trong tù thì mới có một biểu hiện hoàn hảo, một kết tinh trọn vẹn.
Thế nhưng trước và sau năm 1960, khi công bố Nhật ký trong tù vẫn còn nhiều bí ẩn cần được biết để hiểu Bác hơn. Chẳng hạn hành trình của nguyên tác Ngục trung nhật ký từ 1943 đến 1960, tuy đã được nói đến ở một số bài viết gần đây, nhưng vẫn còn nhiều điều phải tìm hiểu kỹ và suy nghĩ thêm. (Tôi đang có dự định làm việc này). Hoặc Nhật ký trong tù trong chín năm hiện diện cùng Bác, từ năm 1960 đến năm 1969, rất ít khi được Bác bình luận", ngoài một số chuyện chung quanh hoàn cảnh ra đời của tập thơ. Bạn bè quốc tế đến thăm và nêu ý định xin dịch Nhật ký trong tù , Bác chỉ cảm ơn và nói thêm là Bác chưa bao giờ là một nhà thơ. Bởi theo Bác, nhân dân Việt Nam ai ai cũng làm thơ cả. Và nếu Bác thật sự là nhà thơ thì không thể sống mà không sáng tác. Còn Bác, có phải lúc nào Bác cũng làm thơ đâu! Và ở đây là một quan niệm về văn chương rất riêng của Hồ Chí Mình.
Đọc văn thơ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, tôi luôn luôn đặt cho mình các câu hỏi về những bí ẩn chưa biết hết được. Bởi cách ra đời của nó. Bởi hành trình không bình thường của nó. Bởi văn thơ, dẫu chỉ là sự thể hiện một phần nhỏ con người, nhưng nó vẫn là cả một thế giới, với những gì đã được biết và những gì còn chưa biết về Bác. Đó là cả một kho tàng quý giá cho sự khám phá không cùng về Bác, và về những giá trị của truyền thống và hiện đại, của dân tộc và nhân loại được kết tinh ở Bác. Không cùng, có nghĩa là còn nhiều điều phải khai phá. Nghiên cứu về Bác và vãn thơ Bác, đối với tôi, là đứng trước những bí ẩn ấy.
Theo Văn nghệ trẻ